COI BỆNH NHÂN NHƯ NGƯỜI THÂN, ĐỂ TẬN TÂM CHĂM SÓC
Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2003 tại Cơ sở II của Bệnh viện Bưu điện, Khoa Thận nhân tạolúc đó chỉ có 2 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên và 2 điều dưỡng với 4 máy chạy thận nhân tạo, chủ yếu điều trị lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân bị bệnh suy thận mãn và một số ít trường hợp suy thận cấp ở các khoa khác chuyển đến. Trung bình một ngày chạy 2 ca bệnh, toàn Khoa điều trị cho khoảng 12 bệnh nhân.
Cùng với sự lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về tay nghề chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư…, đến nay Khoa đã có 17máy lọc máu thận nhân tạo, trong đó có 1 máy HDF online.Đây được coi là một trong những thiết bị ưu việt nhất hiện nay. Nếu như máy loại HD chỉ lọc được một số phân tử chất độc để duy trì sự sống cho con người thì máy HDF online lại lọc thêm được các độc tố khác làm hạn chế biến chứng của bệnh nhân suy thận mãn phải lọc máu chu kỳ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đỗ Văn Tráng (người ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ bệnh viện tới thăm, động viên các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bưu điện.
Hơn 100 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa, người ít cũng vài năm, người nhiều thì đã gắn bó với Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bưu điện 10 đến 14 năm; trung bình mỗi tuần 3 lần vào thực hiện lọc máu. Mỗi bệnh nhân một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần đều là người nghèo. Người còn sức khỏe thì đi từ nhà tới viện lọc máu rồi về; người sức khỏe yếu và khó khăn hơn, quê lại ở xa thì thuê luôn nhà ở gần viện để tiện cho việc điều trị.Vốn dĩ khi bị bệnh thận mạn, sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ suy thận, người bệnh còn bị suy tim, suy hô hấp, có người lại bị các bệnh về phổi hoặc đái tháo đường…, cơ thể rất mệt mỏi, thể chất xuống cấp, tinh thần chán nản, bi quan, căng thẳng…Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận cấp, nhiều người được điều trị kịp thời đã khỏi bệnh, tuy nhiên đối với những trường hợp bị thận mạn thì các bệnh nhân đều xác định phải chung sống với bệnh tật đến cuối đời. Chính vì vậy, để việc điều trị được hiệu quả, bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu về vô trùng, tiệt khuẩn, vệ sinh y tế cùng quy trình chuyên môn rất khắt khe, nghiêm ngặt, các y bác sĩ, nhân viên trong Khoa đều tâm niệm cần phải chia sẻ, động viên kịp thời, giúp người bệnh tự tin, lạc quan, chấp nhận đối diện với bệnh tật, phối hợp tích cực với bác sĩ, kiên trì điều trị.
Từ chỗ chỉ có trên dưới chục bệnh nhân, chủ yếu là cán bộ, nhân viên trong ngành, hiện Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bưu điện đã trở thành địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực này bởi chất lượng điều trị, đặc biệt là tinh thần y đức của các bác sĩ, nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân từ Thanh Hóa, Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang… vì tin tưởng vào chất lượng điều trị, yêu mến sự tận tâm, trách nhiệm của các bác sĩ không ngại xa xôi tự nguyện xin chuyển về điều trị tại Bệnh viện.
Với phương châm “Coi bệnh nhân như người thân, để tận tâm chăm sóc”, tập thể bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư trong Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bưu điện tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cũng như trau dồi y đức; xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của người bệnh khi yên tâm giao phó sức khỏe, tính mạng cho nơi mà họ luôn tin tưởng coi là “ngôi nhà thứ hai” của mình./.
Một số hình ảnh thăm khám, chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo:
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Bệnh viện Bưu điện gồm 3 cơ sở:
Cơ sở 1: Số 49 Phố Trần Điền, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Cơ sở 2: Số 1 Ngõ Yên Bái 2, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ sở 3: Số 83, đường Lý Thánh Tông, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.